Một chàng trai sắp đi du học nói với cô bạn gái đang khóc nức nở:
– Đừng lo, anh sẽ viết thư đều đặn cho em.
Trong suốt 3 năm học, anhgiữ đúng lời hứa, cứ hai tuần lại viết cho cô một lá thư, hoặc nếu bận quá, ít nhất anh cũng gửi một tấm thiệp in những lời ngọt ngào. Nhưng học xong, anh lại kiếm được một việc làm ở nước ngoài với mức lương cao ngất.
Anh hài lòng với công việc đó và quyết định chưatrở về ngay. Anh làm việc chăm chỉ, nhưng vẫn không quên cứ hai tuần một lần lại gửi thiệp hoặc thư cho cô bạn gái ở quê hương. Rồi một ngày, anh nhận được môt tấm thiệp báo hỷ. Cô bạn gái của anh sắp kết hôn. Với chính người đưa thư cứ hai lần một tuần lại mang thư và thiệp của anh tới cho cô gái! Trong trường hợp này, câu “xa mặt cách lòng” đã đúng.
Người bạn trai ở nước ngoài cảm thấy mình bị phản bội và thốt lên: “Tại sao lại như thế? Tôi vẫn gửi thư và thiệp cho cô ấy đều đặn cơ mà?”. Khi một mối quan hệ không đi được đến nơi đến chốn như người ta kỳ vọng, một danh sách những thứ người ta đã cho đi, hoặc đã làm cho người kia, thường hiện lên. Chúng ta sẽ nói: “Tôi đã làm cho em/anh cái này và cái kia… Tôi đã làm điều này cho em/anh cơ mà…”. Cứ như thể tình yêu được chứng minh đơn giản bởi những món quà.
Những món quà là rất quan trọng, nhưng tình yêu lại đòi hỏi một thứ cơ bản: sự hiện diện của người yêu.
Dường như con người ai cũng cần có sự hiện diện và quan tâm của người mình yêu. Tình yêu là sự ràng buộc với một con người nhất định.
Chúng ta có thể bị ràng buộc với công việc, với một sở thích, hay một câu lạc bộ nào đó. Nhưng nói cho đúng, những điều đó không yêu ngược lại chúng ta. Chỉ có một con người mới yêu lại chúng ta mà thôi.
Do đó, sự ràng buộc cao nhất của con người là dành thời gian cho những người chúng tayêu thương. Và vì con người luôn cần sự quan tâm, chăm sóc nên những món đồ vật chất chỉ có thể giúp nuôi dưỡng tình yêu ở một mức độ nào đó. Chúng không bao giờ có thể thay thế món quà lớn nhất là sự hiện diện bên cạnh của người mình yêu.