Không biết khi tôi sinh ra, ai là người đầu tiên nắm tay tôi nhỉ? Bố, mẹ, bà hay ông bác sĩ, cô y tá trong bệnh viện? Tôi hay tưởng tượng ra cảnh bố lấy ngón tay trỏ nhẹ nhàng luồn vào lòng bàn tay tôi, khẽ cạy những ngón tay nhỏ xíu đang co chặt lại rồi trầm trồ: “Ồ, ngón tay con gái dài quá, sau này sẽ tài hoa lắm đây”. Còn ông anh 2 tuổi của tôi thì lăng xăng quanh giường, ăn hết phần ăn bà nấu bồi dưỡng cho mẹ, tò mò ngó nhìn đứa em đang nằm gọn lỏn trong vòng tay bố và phán một câu: “Tay nó bé tí, con bẻ một phát gãy ngay!”.
Khi đến tuổi tập đi, chắc đã rất nhiều người nắm lấy tay tôi và dẫn tôi đi từng bước một quanh nhà. Bố mẹ này, anh chị, cô chú bác và chắc cả hàng xóm láng giềng nữa.
Khi đến tuổi đi học, bàn tay bố dẫn tôi vào lớp và bàn tay cô ân cần dạy tôi những nét chữ đầu tiên. Đến tuổi chạy nhảy theo anh đi chơi, rất nhiều lần hăng máu đánh nhau với lũ con trai, té lăn quay ra đất. Bàn tay anh nắm chặt tay tôi và kéo tôi đứng dậy, “để thằng đó cho anh!”.
Ngày học cuối của lớp 12, đang ngồi khóc hu hu vì phải chia tay tuổi học trò thì người bạn trai thân nhất luồn tay vào ngăn bàn, khẽ bóp nhẹ tay tôi.
Ngày yêu, tôi ghét cái trò ôm eo nhau đi ngoài đường, chỉ thích để bàn tay mình nằm gọn trong tay anh mỗi khi hai đứa lang thang ngoài phố.
Đến lượt tôi, tôi cũng đã nắm tay rất nhiều người và cũng mơ hồ nhận ra một “chân lý”:
Hãy chỉ nắm tay khi người ta đưa tay ra cho mình. Đôi khi tôi cũng không thể phân biệt được đâu là sự giả dối trong lời nói, ánh nhìn của người khác nhưng chắc một điều rằng tôi luôn cảm nhận được thật- giả khi ai đó nắm tay mình.
Lúc tôi buồn, tôi rất muốn có một bàn tay nắm lấy tay tôi, chỉ cho tôi biết tôi sẽ phải làm gì để vượt qua tất cả những phiền muộn ấy.
Lúc nghe người khác tâm sự, đừng ngại ngần nắm lấy bàn tay họ. Làm thế, tuy ta không nói nhưng họ biết, chúng ta đồng cảm và sẻ chia với họ. Ta truyền hơi ấm lòng bàn tay cho họ và tôi tin là họ sẽ rất thích và sẽ trân trọng mãi mãi cái cảm giác ấy.