Có một câu chuyện xưa lắm, xưa đến nỗi anh không nhớ là ai đã kể cho anh nghe và lúc nào, chỉ nhớ là nó liên quan đến vài con khỉ, một cái chuồng, một trái chuối và một bình chữa lửa.
Em xây một cái chuồng rộng cỡ cái phòng ngủ, và lùa năm con khỉ vào một phía. Phía còn lại em để một trái chuối. Rồi em cầm bình chữa lửa đứng đợi. Khỉ thì thích ăn chuối, nên không sớm thì muộn, một trong những con khỉ sẽ bắt đầu chạy về phía trái chuối. Khi nó làm như thế, em lấy bình chữa lửa xịt vào những con khỉ còn lại. Thay trái chuối mới nếu cần, và lập lại quá trình này.
Khỉ rất thông minh, nên chúng sẽ nhanh chóng nhận ra cái luật này: nếu mà có con khỉ nào tiến về phía trái chuối, cả đám còn lại sẽ bị xịt bột chữa lửa. Và để tự bảo vệ, cả đàn sẽ bắt đầu tấn công bất kỳ con nào có ý định ăn chuối.
Khi hiện tượng này xảy ra, em bắt một con khỉ ra khỏi chuồng, và thay vào đó bằng một con khỉ mới. Con khỉ mới sẽ gia nhập đàn, cố gắng kết bạn, và chắc chắn sẽ muốn ăn trái chuối. Và những con khỉ còn lại, biết rõ điều gì sẽ xảy ra, sẽ tấn công con khỉ mới để ngăn không cho em xịt chúng.
Sau vài lần, con khỉ mới sẽ hiểu ra, và bắt đầu tham gia tấn công nếu một con khỉ khác tiến về phía trái chuối.
Khi hiện tượng này xảy ra, em bắt thêm một con khỉ trong số bốn con khỉ cũ còn lại ra khỏi chuồng, và thay vào đó bằng một con khỉ mới khác.
Sau khi lập lại quá trình đó vài lần, sẽ có một thời điểm không có con khỉ nào đang bị nhốt từng bị xịt bột chữa lửa; sự thật là chúng cũng chưa từng thấy cái bình chữa lửa tròn méo ra sao. Nhưng mà điều hay ho là, chúng vẫn sẽ tấn công bất kỳ con khỉ nào đi về phía trái chuối!
Nếu mà con khỉ biết nói và hiểu được tiếng người, thì khi em hỏi tại sao chúng tấn công, câu trả lời của chúng chắc hẳn sẽ là: à, thiệt ra tôi cũng không biết tại sao, nhưng đó là cách chúng tôi hành xử ở đây.
Thử suy nghĩ một chút về câu trả lời của con khỉ. Đã bao giờ chúng ta, con người, cũng có tư duy y như con khỉ hay không? cùng nghĩ thử xem.
Đi học. có rất nhiều điều trở thành chân lý đơn giản vì thầy cô hay những người đi trước nói như thế. Chúng trở thành chân lý đơn giản vì chúng là “chân lý mà chúng tôi được dạy”. Không có ai mảy may nghi ngờ, liệu những chân lý đó có đúng hay không, liệu có áp dụng chúng vào thực tế cuộc sống được hay không?
Đi làm. các công ty thường có các quy trình. Và một khi các quy trình đã trở thành “cách mà chúng tôi làm việc ở đây”, nhất là khi đã trải qua nhiều đời nhân viên, thì sẽ không còn ai nhớ rằng tại sao đó lại là cách mà công ty vận hành.
Chẳng có ai dừng lại để nghĩ xem đó có còn là cách làm đúng hay không, hay thậm chí đó có phải là cách làm đúng ngay từ thưở ban đầu hay không. Quy trình cứ được thực hiện như một quán tính, và bất kỳ người nào đề nghị thay đổi đều sẽ có thể bị tấn công bởi những người còn lại.
Có hai loại câu hỏi: làm thế nào? và tại sao?
Hỏi “làm thế nào” là hỏi hời hợt, nên câu trả lời cũng sẽ rất hời hợt.
Hỏi: làm thế nào để không bị tấn công?
Trả lời: đừng đến gần trái chuối và cứ tấn công những con khỉ đến gần trái chuối. Chấm hết.
Hỏi “tại sao” bao giờ cũng sâu sắc hơn hỏi “làm thế nào”, nên câu trả lời cũng phải sâu sắc. Hỏi: tại sao lại tấn công những con khỉ đến gần trái chuối?
Trả lời: àh câu chuyện nó thế này thế này.
Hỏi tiếp: nhưng bây giờ đâu còn ai cầm bình xịt đứng canh nữa đâu?
Trả lời: vậy thì cứ ăn chuối đi!!! 🙂
Sự thật trong ngày:
Đa số không hỏi.
Một số hỏi làm thế nào.
Một số ít, ít lắm, hỏi “tại sao”, và được ăn chuối 😉
Rac roi wa trui lun, k hiu gi hit ah!
hay thật. điều mà mấy ai kịp dừng lại để nhận ra. cảm ơn vì câu chuyện.một bài học nên suy ngẫm.