Hôm nay nhân kỉ niệm ngày sinh của Thánh Mahatma Gandhi.
Mình xin chia sẽ bài viết này. Đây là những lời cầu nguyện của chính Gandhi. Rất đáng để ta suy ngẫm.
Cha Ninan Tharakan Anniyil là Linh Mục Công Giáo nghi lễ syro-malankar, bang Kerala, Nam Ấn Độ. Năm 1983 tại Giáo Hoàng Học Viện Poona, Cha trình luận án cử nhân thần học tựa đề: ”Mahatma Gandhi hay là Kitô-hữu không tên”.
Gandhi tên thật là Mohandas KaramChand Gandhi (1869-1948), nhưng được biết đến nhiều hơn dưới tên gọi ”Mahatma Gandhi”.
Mahatma theo ngôn ngữ Ấn giáo có nghĩa là ”tâm hồn cao cả”, tương đương với chữ ”thánh thiện” bên Công Giáo. Hình ảnh Gandhi gắn liền với tinh thần ”bất bạo động” trong cuộc chiến dành lại nền độc lập cho Ấn Độ. Nhưng tinh thần ”bất bạo động” này mang ý nghĩa rất tích cực nơi Gandhi. Bởi vì, ông rút tỉa nó từ giáo huấn Tin Mừng của Kitô-giáo, đặc biệt từ Bài Giảng Tám Mối Phúc Thật của Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
Cha Ninan Tharakan Anniyil viết.
Là tín đồ Ấn giáo 100% nhưng suốt đời mình, ông Gandhi luôn được hình ảnh Đức Chúa KITÔ theo sát, và có thể nói – một cách nào đó – ông truyền giảng và thực thi giáo huấn của Chúa.
Thời gian du học tại thủ đô Luân Đôn của Anh Quốc, khi còn là sinh viên, giúp Gandhi có cơ hội tiếp xúc với thế giới tây phương, nhất là với giáo huấn của Kitô-giáo. Gandhi say mê đọc Kinh Thánh – đặc biệt Tân Ước – và yêu thích cách riêng ”Bài Giảng Trên Núi” tức ”Tám Mối Phúc Thật” của Đức Chúa GIÊSU. Bài giảng làm đảo lộn tư tưởng và thay đổi lối sống. Từ chàng trai da đen Ấn độ, muốn học đòi lối sống trưởng giả của các chàng trai thời đại Anh Quốc, Gandhi bừng tỉnh cơn mơ dại dột, trở về với tư cách đúng đắn của một thanh niên Ấn Độ đơn sơ và chân chính.
Sau này, khi trở về nước, lao mình vào chính trường, trở thành nhà triết học và nhà ái quốc, điều động phong trào quốc gia đòi độc lập cho Ấn Độ, ông Gandhi luôn theo sát giáo huấn của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Đó là lòng yêu chuộng hòa bình và tôn trọng sự thật.
Tấm gương Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng chịu đau khổ chết treo trên Thập Giá vì rao giảng Sự Thật và vì trung thành với Sự Thật, ghi sâu trong tâm trí Gandhi, tín đồ Ấn giáo sùng đạo.
Năm 1922, khi bị điệu ra trước tòa án vì bị kết tội gọi là ”phản loạn”, Gandhi từ chối biện hộ cho mình, lấy lý do ông đã viết và nói lên sự thật, và nếu sự thật có vi phạm luật pháp quốc gia, thì ông sẵn sàng chấp nhận án phạt nặng nề nhất.
Thái độ cứng rắn khi đối diện với sự thật, hẳn là thái độ mà ông Gandhi rút tỉa từ giáo huấn Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU. Đó cũng là thái độ im lặng của Đức Chúa GIÊSU khi Ngài xuất hiện trước các tòa án, trước khi lãnh nhận bản án tử hình.
Nhà triết học Gandhi thích dùng thành ngữ ”Sự Thật là THIÊN CHÚA” hơn là ”THIÊN CHÚA là Sự Thật”. Đây là thành ngữ đặc biệt do Gandhi sáng tác, nói lên khía cạnh tích cực của cuộc sống con người. Đối với ông, ”Sự Thật là THIÊN CHÚA”, có nghĩa là, khi bạn tìm kiếm và tôn trọng Sự Thật, thì Sự Thật sẽ dẫn đưa bạn đến với THIÊN CHÚA. Rồi Gandhi nhấn mạnh thêm: ”Sự Thật là THIÊN CHÚA và con đường dẫn đến THIÊN CHÚA là con đường bất bạo động”.
Một quan điểm đặc thù khác nơi Gandhi: Sự Thật không hẳn là Sự Thật siêu hình hay cảm nghiệm thần bí, nhưng là ”Sự Thật luân lý”, nghĩa là: ”Sự Thật đối chiếu với lương tâm con người”. Quan niệm về Sự Thật này hoàn toàn khác lạ đối với Ấn giáo. Do đó, cung cách hành xử của Gandhi như: đưa lề luật luân lý vào trong đời sống chính trị và tuyệt đối trung thành với lương tâm trong mọi quyết định quan trọng, chắc hẳn là cung cách ảnh hưởng sâu xa bởi Kitô-giáo.
Còn một điểm khác nữa, đối với ông Gandhi, ”Nước Trời”, ”Nước THIÊN CHÚA” trước tiên, nằm trong nội tâm con người. Ông Gandhi viết:
– Kinh nghiệm làm cho tôi tin rằng Nước THIÊN CHÚA ở trong chính chúng ta. Và chúng ta có thể thể hiện Nước Chúa, không phải bằng cách kêu lên: ”Lạy Chúa, Lạy Chúa”, nhưng bằng cách thi hành thánh ý THIÊN CHÚA và giáo huấn của Ngài. Vì vậy, nếu chúng ta chờ đợi Nước THIÊN CHÚA như một cái gì đến từ bên ngoài, thì quả thật chúng ta đã lầm đường. .
Với những điểm trình bày trên đây chúng ta có thể nói: ”Mahatma Gandhi” là Kitô-hữu thực thụ, nhưng không mang danh hiệu Kitô-hữu mà thôi!
… ”Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được THIÊN CHÚA ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được THIÊN CHÚA cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được THIÊN CHÚA xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy THIÊN CHÚA.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con THIÊN CHÚA.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên Trời thật lớn lao” (Mátthêu 5,3-12).