Câu chuyện thứ nhất. Một bà mẹ trẻ đưa cậu con trai đến trường mầm non. Do vừa bước vào lớp, vừa ngoái nhìn mẹ nên cậu bé bị ngã. Người mẹ lao đến dỗ con bằng tất cả những gì có thể nhưng cậu bé không những không nín lại còn nằm lăn ra sàn giãy đành đạch. Thấy vậy, cô giáo bế cậu bé dậy rồi đánh bôm bốp xuống hòn gạch men, miệng không ngớt: “Hỗn này! Hỗn này! Ai cho mày làm ngã con ta! Đánh chừa này! Đánh chừa này!”. Như có thuốc tiên, cậu bé ngừng khóc, thản nhiên giậm chân xuống hòn gạch đánh hự một cái rồi vui vẻ đi vào lớp.

Câu chuyện thứ hai. Anh Q là hướng dẫn viên du lịch. Trong lần đưa khách đến thăm vịnh Hạ Long, cậu bé là con của một vị khách nước ngoài bị ngã. Như một hướng dẫn viên du lịch mẫn cán, Q lao đến đỡ cháu dậy rồi hỏi thăm cuống quýt: Có đau không? phải cẩn thận! cẩn thận! Tưởng đó là chuyện bình thường theo kiểu “chị ngã em nâng” nhưng Q nhận được ánh mắt không mấy thiện cảm từ người cha của cậu bé.
Nhân lúc rảnh rỗi, khi du khách thi nhau chụp ảnh hòn nọ, hòn kia ở vịnh, người khách nước ngoài tiến đến Q, đoạn bảo: “Cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của anh! Có điều, cháu nó ngã thì phải để cháu tự đứng dậy. Như thế cháu mới có trách nhiệm với những hành động của mình, mới có thể tự tìm ra nguyên nhân tại sao lại ngã? Ngã là do mình hay do khách quan?..Có như vậy, nó mới nghiêm túc rút ra bài học và điều quan trọng là nó sẽ có khả năng tự lập, tự tin giải quyết những bất trắc trong đoạn đời không dám chắc là bằng phẳng của nó ở phía trước”.